11 bệnh có thể gây ra ho khan và ho có đờm

0
470

Nguyên nhân gây ra bệnh ho là gì? Đây là vấn đề được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Trong bài viết dưới đây, chuyên mục giới thiệu tới bạn đọc 11 nguyên nhân gây ra bệnh ho ở cả người lớn và trẻ nhỏ.

1. Cảm cúm/ cảm lạnh

benh-co-the-gay-ra-ho-khan-va-ho-co-dom

Cảm cúm và cảm lạnh là hai bệnh lý truyền nhiễm do virus cúm và rhinovirus gây ra. So với ho gà, hai bệnh lý này có mức độ phổ biến hơn và thường không gây nguy hiểm.

Cảm lạnh và cảm cúm thường gặp vào thời điểm thu – đông khi nhiệt độ môi trường giảm mạnh. Bệnh ảnh hưởng đối với cả trẻ em, người trưởng thành và người già.

Dấu hiệu đặc trưng của hai bệnh lý này là tình trạng chảy nước mũi, ứ đờm, ho, mệt mỏi, hắt hơi thường xuyên, sốt,… Hầu hết các trường hợp bị cảm lạnh và cảm cúm đều có xu hướng thuyên giảm sau khoảng 1 – 2 tuần.

2. Viêm họng

Viêm họng là bệnh lý thuộc đường hô hấp trên. Bệnh hình thành khi niêm mạc họng bị nhiễm trùng bởi virus và vi khuẩn. Tổn thương ở cơ quan này làm phát sinh triệu chứng đau rát họng, ứ đờm, ho, sốt, sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi,…

Viêm họng là bệnh lý lành tính và có thể điều trị hoàn toàn. Bệnh hầu như không gây ra bất cứ biến chứng nào nguy hiểm. Tuy nhiên nếu chậm trễ trong việc điều trị, tổn thương ở cơ quan này có thể tiến triển kéo dài và dai dẳng.

3. Viêm xoang

Xoang là lớp lót bên trong mũi – má – trán, có vai trò dẫn lưu khí và dịch nhầy. Tuy nhiên cơ quan có thể bị viêm do virus, vi khuẩn hoặc do các tác nhân gây dị ứng. Khi mô xoang bị sưng viêm, hoạt động dẫn lưu sẽ bị ngưng trệ và gây ra tình trạng ứ đọng dịch trong mũi, cổ họng.

Ho có đờm là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm xoang. Ngoài ra, bệnh lý này còn có những biểu hiện đặc trưng khác như chảy nước mũi, đau đầu, đau cổ họng, thở khò khè,…

4. Ho gà

Ho gà (Whooping cough) là bệnh lý truyền nhiễm do vi trùng Bordetella pertussis gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, rất dễ lây lan thành dịch và nguy cơ tử vong cao.

Sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh từ 7 – 10 ngày, cơ thể thường phát sinh các triệu chứng như ho nhẹ, chảy nhiều nước mũi,… Khoảng 2 tuần sau, tình trạng ho sẽ có diễn biến nặng hơn, dẫn đến những cơn ho dày đặc và kéo dài. Nếu không kịp thời kiểm soát, cơn ho có thể trở nên dữ dội hơn khiến trẻ nôn ói, không thể ăn uống và dễ bị suy dinh dưỡng.

5. Lao phổi

Lao phổi là một trong những dạng phổ biến nhất của bệnh lao. Lao là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất cao. Bệnh hình thành do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis xâm nhập vào phổi và gây nhiễm trùng cơ quan này.

Ho khan, có đờm và ho ra máu là dấu hiệu đặc trưng nhất của lao phổi. Triệu chứng này thường kéo dài hơn 3 tuần và đi kèm với hiện tượng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau ngực, đổ mồ hôi trộm, chán ăn, giảm sức đề kháng,…

6. Ung thư phổi

Ung thư phổi đề cập đến tình trạng hình thành khối u ác tính ở cơ quan này. Khi khối u xuất hiện, các phế nang và ống dẫn không khí trong phổi sẽ bị chèn ép, dẫn đến hiện tượng khó thở, thở khò khè và đau ngực.

Ngoài ra, khi khối u lan tỏa, khả năng dẫn lưu dịch tại phổi và cơ quan hô hấp có thể bị ứ trệ. Từ đó dẫn đến hiện tượng tăng sinh dịch nhầy và làm phát sinh triệu chứng ho khan, ho có đờm, đờm lẫn máu, khó nuốt, khàn giọng,…

Ung thư phổi thường gặp ở người hút thuốc lào và thuốc lá liên tục trong khoảng 10 năm. Ngoài ra bệnh cũng có thể xuất hiện ở người hít phải khói thuốc, sinh sống trong môi trường chứa hóa chất độc hại, ô nhiễm,…

7. Viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng ống phế quản bị sưng và viêm. Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, hút thuốc lá, tiếp xúc với bụi bẩn, không khí ô nhiễm,… trong thời gian dài.

ổn thương ở ống dẫn không khí khiến hoạt động hô hấp của cơ thể bị gián đoạn và làm phát sinh những triệu chứng như khó thở, thở khò khè, sốt, mệt mỏi, ho khan, ho có đờm và dai dẳng. Tình trạng viêm ở phế quản có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

8. Viêm thanh quản

Thanh quản là cơ quan cảm thụ và phát ra âm thanh. Tuy nhiên cơ quan này có thể bị tổn thương do nhiễm virus, vi khuẩn, la hét quá mức, trào ngược axit dạ dày, nhiễm trùng ở hầu họng lây lan,…

Viêm thanh quản đặc trưng bởi triệu chứng khàn giọng, giọng nói thay đổi, mất tiếng,… Tuy nhiên bệnh cũng có thể khiến bạn bị ho khan hoặc ho kèm theo đờm. Nếu viêm thanh quản do nhiễm trùng, bạn có thể nhận thấy cơ thể mệt mỏi, hạch bạch huyết ở cổ sưng và thân nhiệt tăng cao.

9. Phù phổi

Phù phổi là tình trạng các mô và phế nang bị ứ đọng dịch, dẫn đến hiện tượng giảm khả năng trao đổi khí và hô hấp. Phù phổi có thể xảy ra do tim hoặc do chấn thương. Nếu không được khắc phục kịp thời, bệnh có thể gây suy hô hấp và tử vong.

Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh phù phổi là tình trạng thở khó và ho kèm theo máu. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải tình trạng da nhợt nhạt và đổ mồ hôi nhiều.

10. Tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi xảy ra khi các khoang màng phổi tăng tiết dịch nhiều hơn bình thường. Hội chứng này thường bắt nguồn từ các bệnh lý khác nhau như suy giáp, suy tim, viêm nhiễm tại phổi, lao, lupus ban đỏ hệ thống, ung thư phổi,…

11. Hen suyễn

Hen suyễn là bệnh lý mãn tính ở đường hô hấp. Bệnh có xu hướng khởi phát trong những năm đầu đời và thuyên giảm dần sau khi trưởng thành.

Hen suyễn hình thành khi bề mặt của ống phế quản bị sưng đột ngột, gây co thắt và làm hẹp đường thở. Khi phổi giảm lượng không khí trong phế nang, bạn sẽ đối mặt với hiện tượng khó thở, thở khò khè, đau thắt ngực và ho khan.

Phần lớn các trường hợp ho khan, có đờm đều do những bệnh lý thông thường gây ra. Tuy nhiên bạn cần tránh tình trạng chủ quan khi triệu chứng này phát sinh. Nếu nhận thấy ho không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp tại nhà, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa trong thời gian sớm nhất.
Nguồn tham khảo: thuochobophebaothanh.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here